Nhãn:

10 nước khó làm ăn nhất thế giới

(Dân trí) - Mức thuế suất cao, tình hình chính trị bất ổn là những nguyên nhân chính khiến nhiều nước dưới đây bị liệt vào danh sách những nước khó làm ăn kinh doanh nhất thế giới.
Dưới đây là danh sách 10 nước khó kinh doanh nhất thế giới theo kết quả khảo sát của CNBC.

10. Argentina
GDP năm 2010: 388 tỷ USD
Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) năm 2010: 6,3 tỷ USD
 
Argentina là 1 trong số 3 nước được cho là khó kinh doanh nhất trong số các nước ở Nam Mỹ. Để lấy được một giấy phép xây dựng tại đây, doanh nghiệp cần mất tới 1 năm, trong khi đó, tại các nước Mỹ Latinh, thời gian này chỉ là 7 tháng.

Ngoài ra, để một doanh nghiệp bắt đầu được hoạt động, phải mất 26 ngày, trong khi đó thời gian trung bình tại các nước khác chỉ là 12 ngày.

Lý do chính dẫn tới những cản trở trong kinh doanh tại Argentina được cho là bởi sau khi vỡ nợ vào năm 2002, chính phủ Argentina đã dùng một số biện pháp thắt chặt để ngăn chặn dòng tiền chảy ra khỏi nước. Điển hình là chính phủ đã cho quốc hữu hóa rất nhiều nghành công nghiệp và ngăn cấm việc mua đất nông nghiệp của người nước ngoài.

Liên hợp quốc ước tính, kể từ đầu năm cho tới nay, Argentina đã sụt giảm tới 30% tỷ lệ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

9. Nga
GDP năm 2010: 1,5 nghìn tỷ USD
Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) năm 2010: 41,2 tỷ USD
 
Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, tuy nhiên, ít ai biết được rằng việc kinh doanh ở Nga lại rất khó khăn.

Khó khăn lớn nhất cho các doanh nghiệp muốn hoạt động ở Nga gặp phải là vấn đề cung cấp điện. Tại đây, phải mất tới 9 tháng mới có thể được cung cấp điện, trong khi đó, tại một số nước thuộc Đông Âu và Trung Á, con số này chỉ là một nửa. Ngoài ra, giá điện quá cao cũng là một trở ngại làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ chế xuất khẩu hàng hóa tại Nga cũng gây rất nhiều trở ngại đối với doanh nghiệp. Cụ thể là các công ty phải mất thời gian gấp 3 lần so với các nước khác thuộc OECD để xuất được hàng hóa ra khỏi Nga.

8. Brazil
GDP năm 2010: 2,1 nghìn tỷ USD
Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) năm 2010: 48,4 tỷ USD
 
Brazil là nền kinh tế tăng trưởng lớn thứ 8 trên thế giới. Năm 2010, tỷ lệ tăng GDP mà nước này đạt được là 7,5 %, do đó nó có khả năng thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp muốn hoạt động tại Brazil cũng gặp không ít trở ngại.

Trở ngại đầu tiên phải kể đến là gánh nặng thuế mà các doanh nghiệp phải chịu. Các doanh nghiệp phải chi khoảng 2.600 giờ làm việc mỗi năm, tương đương 3,5 tháng, để đóng thuế ở Brazil. Tổng mức thuế mà các doanh nghiệp phải trả là hơn 67%. Một vấn đề khác là việc cấp phép xây dựng ở đây cũng quá dài, có khi lên tới gần 470 ngày để hoàn thành 17 thủ tục, gấp 3 lần mức trung bình của OECD.

7. Indonesia
GDP năm 2010: 706,6 tỷ USD
Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) năm 2010: 13,3 tỷ USD
 
Nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Indonesia cùng với 3 nước khác cũng được cho là một trong số những nước khó kinh doanh nhất thế giới.

Ngoài việc bắt đầu một doanh nghiệp ở Indonesia rất khó khăn, phải cần tới một tháng rưỡi, gấp khoảng 3,5 lần so với mức trung bình của tất cả các nước OECD thì Indonesia còn được biết đến là một đất nước rất chậm trễ trong việc cung cấp điện cho các doanh nghiệp mới.

Vấn đề cơ sở hạ tầng yếu kém lâu nay cũng là một trở ngại rất lớn đối với công việc kinh doanh tại nước này. Hiện tại, Indonesia chỉ có 5 sân bay quốc tế và 4 trong số này đều đang phải hoạt động hết công suất. Ước tính, Indonesia phải chi ra tới 105 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng mới đáp ứng đủ nhu cầu hiện tại.

6. Ấn Độ
GDP năm 2010: 1,73 nghìn tỷ USD
Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) năm 2010: 24,6 tỷ USD
 
Mặc dù có mức tăng GDP lên tới 7,5% mỗi quý, tuy nhiên, Ấn Độ vẫn bị liệt vào danh sách những nước khó kinh doanh nhất thế giới.

Nguyên nhân chính được cho là bởi nạn tham nhũng lan tràn tại đất nước này. Hiện tại, chính phủ Ấn Độ đang cố gắng hết sức cải thiện tình hình sau những bức xúc của người dân quanh vấn nạn tham nhũng.

Ngoài ra, thời gian cấp giấy phép xây dựng quá lâu cũng được cho là nguyên nhân khiến Ấn Độ bị liệt vào danh sách này.

Mặc dù môi trường kinh doanh khó khăn như vậy, xong nhưng tổ chức UNCTAD mới đây vẫn dự đoán Ấn Độ sẽ nằm trong số 5 điểm đến hấp dẫn nhất với nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2010 – 2012.

5. Nigeria
GDP năm 2010: 194 tỷ USD
Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) năm 2010: 6,1 tỷ USD
 
Là một trong những quốc gia sản xuất dầu khí lớn nhất Châu Phi, Nigeria luôn thu hút một lượng lớn các công ty năng lượng trên thế giới. Tuy nhiên, những bất ổn về chính trị và căng thẳng về tôn giáo đã khiến Nigeria trở thành một trong số những nước khó kinh doanh nhất thế giới.

Nigeria cũng bị đánh giá thấp về thời gian cấp điện và đăng ký bất động sản phục vụ kinh doanh. Để xin cấp đăng ký sử dụng một khu bất động sản, các doanh nghiệp ở Nigeria cần tới 3 tháng và 15 thủ tục, so với mức trung bình 1 tháng ở các nước OECD.

4. Philippines
GDP năm 2010: 199,6 tỷ USD
Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) năm 2010: 1,7 tỷ USD
 
Philippines là nước dẫn đầu trong khu vực Châu Á về mức độ khó kinh doanh. Nước này chỉ thu hút được 2,5% trong tổng số 76,5 tỷ USD vốn FDI đổ vào 10 nước thành viên ASEAN trong năm 2010.

Hệ thống pháp luật không ổn định, chính sách quan liêu là những vấn đề khó khăn nổi cộm khi kinh doanh tại Philippines. Việc tạo lập một doanh nghiệp mới cũng như giải quyết thủ tục phá sản ở nước này rất tốn thời giờ.

Ngoài ra, chính phủ Philippines cũng đang ra sức cải thiện nạn tham nhũng vốn đã lan tràn từ rất lâu trong bộ máy công quyền Philippines.

3. Algeria
GDP năm 2010: 159,4 tỷ USD
Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) năm 2010: 2,3 tỷ USD
 
Là quốc gia có nguồn dầu mỏ dồi dào, tuy nhiên, Algeria được cho là một trong số những nước khó kinh doanh vào bậc nhất thế giới.

Tại Algeria, một doanh nghiệp tốn tới 48 ngày để đăng ký sử dụng đất, so với mức trung bình khoảng 1 tháng ở các nước OECD. Việc cấp điện thì phải mất hơn 5 tháng, so với mức 2,5 tháng ở các nước khác thuộc Bắc Phi và Trung Đông.

Ngoài ra, những căng thẳng chính trị gần đây càng khiến việc kinh doanh ở Algeria trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

2. Ukaine
GDP năm 2010: 137,9 tỷ USD
Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) năm 2010: 6,5 tỷ USD
 
Ukaine là quốc gia lớn thứ nhì Châu Âu và thứ nhất khu vực Đông Châu Âu, tuy nhiên, nước này lại đứng vị trí thứ 2 trong danh sách những nơi khó làm ăn kinh doanh nhất thế giới.

Một trong những điểm bất lợi cho các nhà kinh doanh ở Ukraine là việc đóng thuế, xin cấp phép xây dựng và cấp điện. Doanh nghiệp ở Ukraine phải mất 27 ngày cho việc thanh toán thuế, với tổng mức thuế chiếm khoảng 57% lợi nhuận doanh nghiệp.

Việc xin cấp phép xây dựng cũng mất thời gian gấp hơn 2 lần so với mức trung bình của OECD. Ngoài ra, những bất ổn về chính trị cũng khiến nước này mất điểm trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 2004 do những cáo buộc về gian lận, tình hình chính trị tại Ukaine cũng trở nên bất ổn gây ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tại đây.

1. Venezuela
GDP năm 2010: 387,8 tỷ USD
Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) năm 2010: -1,4 tỷ USD
 
Đứng đầu danh sách những nước khó kinh doanh nhất thế giới là Venezuela. Những trở ngại chính khi kinh doanh ở Venezuela bao gồm: việc đóng thuế mất quá nhiều thời gian, vay tín dụng, luật bảo vệ nhà đầu tư còn lỏng lẻo và thương mại qua biên giới không linh hoạt.

Ngoài ra, Tổng thống Hugo Chavez cũng đang đưa ra rất nhiều chính sách gây ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân như quốc hữu hóa nhiều nghành công nghiệp. Hiện tại, Venezuela cũng đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát ở mức cao, lên đến 26,5%, đây cũng là một trở ngại trong công việc kinh doanh.

Lan Trinh
Theo CNBC

No comments:

Post a Comment